Góc Phật giáo

Phật Giáo được truyền đến Việt Nam cách nay khoảng 2000 năm,do nhà sư người Ấn Độ là Marajivaca ( Ma Ha Kỳ Vực ) truyền bá đạo Phật vào Việt Nam năm 188 trước Công Nguyên. Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo du nhập vào Việt Nam tại thời điểm trước sau công lịch xê dịch một, hai thế kỉ. Đây cũng là lúc mà văn minh Trung Hoa phát huy ảnh hưởng tại các quốc gia lân cận theo cách thức vừa cưỡng bức vừa tự giác. Vì vậy, tuy có thể được coi là xứ sở tiếp nhận Phật giáo sớm hơn, là nguồn cung cấp tu sĩ và kinh sách đầu tiên cho Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại chịu một sự truyền giáo ngược khi các văn bản kinh sách bằng chữ Hán được truyền vào từ Trung Hoa. Việt Nam, cũng như các nước lân bang, khó tránh khỏi ảnh hưởng về văn hóa và truyền thống tôn giáo đó.

Việt Nam cũng đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, với ngoại bang và nội chiến, với hệ quả tất yếu là hầu hết các công trình kiến trúc đặc sắc nói chung, và Phật giáo nói riêng, bị huỷ hoại phần lớn. Chưa kể ngay cả trong thời bình các phù điêu tượng khắc hay nghệ thuật cổ Phật giáo Việt Nam cũng đã bị thất thoát ra nước ngoài. Hiện tại các vùng còn lại những di chỉ quan trọng là:

Bắc Ninh với trung tâm Phật giáo Luy Lâu (hay Liên Lâu). Đây là trung tâm Phật giáo lớn của quận Giao Chỉ vào thế kỉ thứ 1. Còn sót lại tại đây có:

  •  Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng, ở làng Dâu. Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam hiện nay, được xây vào đầu thế kỷ thứ 3. Cuối thế kỷ thứ 4, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đã thuyết pháp tại chùa này, lập nên thiền phái đầu tiên ở Việt Nam. Chùa được ông Mạc Đĩnh Chi dựng lại với qui mô lớn vào thế kỷ 14, và trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau.
  • Chùa Bút Tháp, có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), xây lại vào năm 1646-1647 tức là thời nhà Hậu Lê – thế kỷ 17. Chùa có tên nguyên thủy ghi trên bia dựng vào năm 1646 là “Ninh Phúc Tự”. Theo Phật sử Việt Nam thì thiền sư Chuyết Chuyết, người để lại nhục thân không bị thối rữa cho đến ngày nay, đã trụ trì tại chùa này (viên tịch năm 1644).
  •  Chùa Phật Tích, nằm trên sườn nam núi Phật Tích, được khởi công vào năm 1057. Qua các cuộc chiến tranh chùa này đã bị hư hại nhiều lần và được nhiều lần trùng tu. Theo các tin tức gần đây (năm 2004-2005) thì nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết được đặt tại chùa này.

Ninh Bình: là kinh đô phát tích của 3 triều đại phong kiến đầu tiên Đinh – Lê – Lý, các triều đại này đều coi Phật giáo là quốc giáo nên ở khu vực quanh kinh đô Hoa Lư có rất nhiều chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ X:

  •   Chùa Nhất Trụ: Được xây dựng từ thời Tiền Lê, tại đây còn cột kinh quý khắc trên đá có liên đại hơn 1000 năm. Chùa là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỷ X như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh.
  •  Chùa Bái Đính: Được xây dựng từ thời Lý, trên quê hương quốc sư Nguyễn Minh Không, hiện đây được coi là khu chùa lớn nhất Việt Nam.
  •  Các chùa khác trong khu vực cố đô Hoa Lư còn tồn tại đến nay như chùa Am Tiên, chùa Thiên Tôn, chùa Kim Ngân, chùa Bà Ngô, chùa Duyên Ninh, chùa Bàn Long, chùa Đìa, chùa Tháp đều được xây dựng từ thời Đinh.

Hà Nội: (Tên cũ Thăng Long) Là thủ đô lâu đời của nước Việt, Phật giáo đã từng là quốc giáo nên nơi này một thời lâu dài là trung tâm Phật giáo lớn. Các di chỉ Phật giáo còn lại đáng kể là:

  •  Chùa Trấn Quốc, đây là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Tương truyền chùa được xây vào đời Lý Nam Đế (544-548) với tên gọi “Khai Quốc”. Sau này, tên chùa thay đổi nhiều lần như “An Quốc” thời Lê Thánh Tông (1434-1442), “Trấn Quốc” năm 1628, “Trấn Bắc” năm 1844 và nay chùa Trấn Quốc. Chùa cũng đã có nhiều đợt trùng tu. Kiến trúc còn giữ được đến nay là từ cuộc trùng tu của vua Gia Long năm 1815, chùa chiếm diện tích hơn 3000 mét vuông.
  • Chùa Báo Ân, xây thời nhà Trần, là một trong những trung tâm lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm, nơi vua Trần Nhân Tông, các thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang đều đã từng trụ trì. Ngôi chùa từng tồn tại trong một thời gian dài, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 15. Đến nay Chùa Báo Ân ở Gia Lâm hiện chỉ còn trong quy mô rất nhỏ.
  •  Chùa Một Cột, tức chùa Diên Hựu nằm giữa Hà Nội. Theo truyền thuyết, vua Lý Thái Tông (1028-1054) nằm mộng thấy Quan Thế Âm dắt vua lên tòa sen. Sau đó, Sư Thiền Tuệ khuyên vua xây chùa, dựng cột đá giữa ao, đặt tòa sen của Phật trên cột như đã thấy trong chiêm bao. Đó là vào năm 1049. Chùa Một Cột đã bị phá hủy và được trùng tu nhiều lần trong lịch sử. Đài hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3 mét, mái cong, dựng trên một cột cao 4 mét, đường kính 1,20 mét gồm 2 trụ đá ghép chồng lên nhau liền thành một khối.
  • Chùa Đậu. Tương truyền chùa có từ đầu công nguyên, nhưng theo văn bia ở chùa thì chùa được dựng từ đời nhà Lý, theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Chùa còn lưu lại nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông… Đặc biệt, trong chùa có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17.
  •  Chùa Thầy tọa lạc ở chân núi Sài Sơn. Chùa được dựng từ đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128). Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sau đó, được mở rộng ra. Chùa xây theo hình chữ “Tam” có ba lớp: Chùa Hạ, chùa Giữa, chùa Thượng. Lớp ngoài cùng là nơi tế lễ, lớp giữa thờ phật, lớp trong cùng thờ sư Từ Đạo Hạnh.

Di chỉ văn hoá Óc-eo: Khu vực văn hoá Óc-eo trải rộng nhiều tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ, các di chỉ khai quật được xác định là từ thế kỉ thứ 1 đến thế kỉ thứ 7. Trong số các di vật tìm thấy có nhiều tượng Phật gỗ chứng tỏ Phật giáo đã du nhập vào khu vực này từ rất sớm bằng đường biển.
Quảng Ninh: Núi Yên tử thuộc tỉnh này đã là nơi Phát xuất của phái thiền Yên Tử. Nơi đây là một quần thể nhiều chùa trong đó có chùa Hoa Yên (tên cũ là Vân Yên – thế kỉ 13) nơi mà các tổ phái Yên Tử trụ trì. Ngôi tháp nổi trội nhất là Tháp Tổ, bằng đá, 6 tầng. Còn lại là các chùa Quỳnh Lâm, Long Động, Giải Oan, Bảo Sái, Một Mái và chùa Đồng là chùa cuối nằm trên đỉnh Yên Tử.

Theo: vi.wikipedia.org

Hằng năm, có rất nhiều lễ hội của Phật giáo diễn ra trên khắp thế giới. Hầu hết những sự kiện đặc biệt này đều liên quan tới cuộc đời của đức Phật hay chư vị Bồ Tát, Tổ sư… Những lễ hội này đều được tính theo lịch âm và thường có sự khác nhau tùy thuộc văn hóa và truyền thống của mỗi nước. 

Dưới đây là một vài ngày lễ quan trọng sẽ được trình bày một cách vắn tắt.

NĂM MỚI TRONG PHẬT GIÁO

Trong các nước theo Phật giáo đại thừa như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, thì năm mới thường bắt đầu trong ngày đầu tiên của tháng giêng. Riêng Phật giáo tại Tây Tạng thì đánh dấu ngày lễ này vào tháng 3.

NGÀY CỦA PHẬT HAY CÒN GỌI LÀ VESAK

Vesak là kỷ niệm ngày sinh của Phật và là ngày lễ quan trọng nhất ., Phật giáo khắp nơi trên thế giới tổ chức lễ đón mừng đản sinh, giác ngộ và nhập Niết Bàn của đức Phật trong cùng một ngày, thường là trung tuần tháng 5 theo dương lịch. Vesak là tên được gọi của một tháng ở Ấn độ, giống ở Việt Nam tháng 1 gọi là tháng giêng….

LỄ DÂNG Y KATHINA

Tại các nước theo Phật giáo nguyên thủy, hằng năm sau 3 kỳ trăng tròn, tức sau 3 mùa mưa tịnh tu từ tháng 6 đến tháng 9 thường tổ chức lễ dâng y Kathina cúng dường chư Tăng.

Lễ này được tổ chức tại các Chùa trong suốt 1 tháng từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10. Ttrong suốt một tháng đó, tất cả các thiện nam tín nữ sẽ lo các phẩm vật cúng dường cho chư Tăng gồm Y và các vật dụng cần thiết khác.

LỄ THẢ HOA ĐĂNG (LOY KRATHONG)

Lễ Loy Krathong tại Thái Lan được xem là một lễ hội Phật giáo lớn, thường được tổ chức vào kỳ trăng của tháng 12. Lúc nước các nhánh sông và kênh rạch dâng lên, người ta đem các bình bát đựng hoa, đèn cầy, trầm và thả chúng trôi theo dòng nước, với mong ước nó sẽ cuốn đi những điều không may.

LỄ THẮNG PHÁP (ABHIDHAMMA DAY)

Theo truyền thống của Phật giáo Miến Điện, đây là kỳ lễ để Phật tử tưởng nhớ ngày đức Phật lên cung trời Đao Lợi giảng Thắng Pháp cho mẹ Ngài. Lễ được cử hành trong 7 kỳ trăng theo lịch Âm của người Miến Điện, bắt đầu từ tháng tư cho đến kỳ trăng tròn của tháng 10.

 LỄ RƯỚC XÁ LỢI PHẬT

Kandy là một thành Phố đẹp của Sri Lan Ka. Trên một ngọn đồi nhỏ tại thành phố này có một ngôi chùa rất lớn được xem là một thánh tích, vì ngôi chùa này có thờ một cái răng của Phật. Răng đó người ta chẳng bao giờ có thể thấy được vì nằm sâu bên tròng nhiều cái tráp. Nhưng cứ mỗi tháng 8 hằng năm, trong một đêm trăng tròn người ta tổ chức một lễ rước thật quy mô xá lợi này của Phật.

 LỄ VU LAN (ULAMBANA)

Là một lễ hội lớn được tổ chức ở hầu hết các nước theo truyền thống Tiểu Thừa, người ta quan niệm cánh cửa địa ngục được mở ra và xá tội cho những vong hồn từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 15 của tháng 7 âm lịch. Thức ăn sẽ được bố thí cho các vong hồn trong suốt thời gian này, nhằm giúp họ vơi nỗi khổ đau.

Tại Việt Nam, lễ Vu Lan gắn với sự kiện đức Mục Kiền Liên nhờ thần lực của chư Tăng mà cứu được mẹ ra khỏi địa ngục. Lễ cũng được biết đến với tên gọi dân gian là ngày xá tội vong nhân. Lễ được tổ chức vào rằm tháng 7 Âm lịch.

LỄ VÍA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM (AVALOKITESVARA)

Lễ vía (hay còn gọi là mừng ngày đản sinh) của Đức Quán Thế Âm, là vị Bồ tát biểu tượng cho tình yêu thương rộng lớn, là biểu tượng của đạo từ bi cứu khổ theo truyền thống của các nước theo Phật giáo Đại thừa. Lễ được tổ chức quy mô và hoành tráng nhất tại Tây Tạng vào kỳ trăng tròn của tháng 3 Âm lịch.

 (Theo Buddhanet.net)

Huệ Lưu lược dịch – kyvientrungnghia.com